FOR THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF MEKONG 

Trang chủ » Lĩnh vực hoạt động » NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN MÔ HÌNH DU LỊCH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN » MIỆT VƯỜN CHỢ LÁCH VỚI THƯƠNG HIỆU “SẦU RIÊNG CÁI MƠN”

MIỆT VƯỜN CHỢ LÁCH VỚI THƯƠNG HIỆU “SẦU RIÊNG CÁI MƠN”

MIỆT VƯỜN CHỢ LÁCH VỚI THƯƠNG HIỆU “SẦU RIÊNG CÁI MƠN”

Miệt vườn Cái Mơn là một làng quê mang hơi thở của miền Tây sông nước, với những con đường phủ đầy cây xanh trái ngọt. Cái tên Cái Mơn có nguồn gốc khá thú vị, từ Cái có nghĩa là con rạch lớn, còn Mơn là một từ lóng của Mum, nghĩa là mật trong tiếng Khmer. Sở dĩ có tên như vậy vì vùng này được trồng nhiều trái ngọt thu hút rất nhiều ong mật.

Chợ Lách là vùng đất trù phú đầu nguồn của tỉnh Bến Tre, được bồi đắp phù sa quanh năm bởi hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Nơi đây rất thích hợp để phát triển nghề làm vườn với nhiều loại cây ăn trái đặc sản như: chôm chôm, măng cụt, bòn bon, sầu riêng,…Xứ sở Cái Mơn cũng được hưởng lợi từ thiên nhiên ưu đãi và giúp cho người dân nơi đây tạo ra một vùng cây trái đặc sản, trù phú. Đặc biệt, nổi tiếng nhất là loại sầu riêng cơm vàng, hạt lép, có hương thơm ngào ngạt nổi tiếng. Hình như bất cứ giống sầu riêng nào trồng trên vùng đất này cũng đều cho trái đặc biệt béo ngọt đậm đà. Sầu riêng được nhà vườn nơi đây trồng thành vườn thẳng tắp hoặc trồng xen canh với những loại cây khác như cam, quýt, măng cụt,…

Đến bây giờ vẫn chưa có tư liệu chính thức nào ghi chép lại nguồn gốc, xuất xứ của giống sầu riêng đặc biệt này. Theo truyền miệng, loại quả lạ này xuất xứ từ Campuchia, do ông Nguyễn Duy Lưu (1857 – 1947), một thầy dạy Nho học ở Cái Mơn rất yêu thích cảnh điền viên. Vào khoảng năm 1910, ông được mời sang Campuchia để dạy học cho con các Hoàng gia, tình cờ được thưởng thức loại trái lạ, có mùi vị rất đặc trưng, khi ăn thì vị ngọt thanh kết hợp với mùi thơm lừng làm những ai lần đầu tiên thưởng thức cũng phải nhớ mãi không quên. Ông Lưu đưa giống cây lạ này về trồng trên vườn nhà ở Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) và đặt tên là “sầu riêng sữa bò”.

“Sầu riêng sữa bò” của ông Lưu chỉ cho trái vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Trái khi chín vẫn xanh ngắt, mỏng vỉ, gai thưa, khi chín múi lớn vàng ươm, có vị ngọt dịu và béo ngậy như sữa, hương thơm ngào ngạt. Đặc biệt là đúng 12 giờ trưa hay nửa đêm trái rụng xuống thì mới là trái chín.

Tiếng đồn về giống trái ngon có vị lạ bay xa, đến mùa thâu hoạch, nhiều người trong và ngoài tỉnh hiếu kỳ tìm đến vườn ông Lưu để thưởng thức và xin giống về trồng. Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều giống sầu riêng được lai tạo từ giống sầu riêng của các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipin,…được trồng nhiều tại các địa phương, với nhiều hương vị thơm ngon nhưng vẫn không thể có được mùi vị và hương thăm đặc trưng như “sầu riêng Cái Mơn”.

Sầu riêng Cái Mơn ngày nay đã có nhiều thay đổi về chất lượng nhờ vào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, cho trái quanh năm và sai quả, năng suất cao. Giống sầu riêng Cái Mơn được trồn ở nhiều nơi và có thể trồng xen canh với các loại cây khác như: Dừa, bơ, chôm chôm, bòn bon, măng cụt,…Nhưng vì sầu riêng Cái Mơn là giống trái ít hạt nên khi gieo trồng, sầu riêng cho trái đôi, chất lượng lại không giống hoàn toàn cây mẹ. Để đảm bảo tính ổn định cho giống sầu riêng Cái Mơn, các nhà vườn Chợ Lách đã áp dụng nièu cách lai tạo như chiết, ghép cây, nhân giống bằng phươn pháp vô tính,…giữ được những đặc tính nguyên thuỷ của cây mẹ, có khả năng tăng năng suất và kháng sâu bệnh tốt hơn.

Trải qua hơn 100 năm, từ một giống sầu riêng rất khiêm tốn của ông giáo Lưu đến nay đã trở thành thương hiệu nổi tiếng “sầu riêng Cái Mơi”, có uy tín trên thị trường cả nước. Hiện nay, diện tích đất trồng sầu riêng Cái Mơn tại huyện Chợ Lách khoảng 1350ha, chiếm 72% diện tích đất trồng sầu riêng toàn tỉnh, sản lượn trung bình đạt 11.000 tấn/năm.

Cái Mơn là một trong những địa phương đi đầu tổ chức cho nhà vườn ra nước ngoài học tập các mô hình sản xuất và nhân giống cây. Bên cạnh đó, nhà vườn Chợ Lách còn chủ động các giải pháp chăm sóc cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện trạng xâm nhập mặn. Những năm gần đây, BĐKH diễn ra ngày càng rõ nét. Thời tiết cực đoan. Đặc biệt, mặn theo các sông chính ngày càng lấn sâu vào đất liền. Độ mặn 1%0, cao điểm 4%0 có thời điểm gần như bao trùm Bến Tre. Tại Chợ Lách, có hệ thống đê bao được đầu tư ngày càng khép kín. Tuy nhiên, vào thời điểm cây đơm bông kết trái để cho trái thu hoạch vụ thuận thì mặn diễn ra gay gắt. Người dân phải đóng cống không cho nước mặn xâm nhập vào vườn cây ăn trái. Thế nhưng, đây cũng là thời điểm cây trồng rất cần nước ngọt để nuôi dưỡng trái phát triển.

Nhà vườn Cái Mơn đã tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thành công trong xử lý cho cây trồng ra trái nghịch vụ, rải vụ đã nhanh chóng nhân rộng. Hiện khoảng 70% diện tích đất trồng sầu riêng được xử lý cho ra trái nghịch vụ; số còn lại cho trái thu hoạch cũng né vụ thuận. Chôm chôm thì khoảng 30% cho trái thu hoạch nghịch vụ và 70% cho ra trái thu hoạch sau đó nhưng cũng không để rơi vào vụ thuận. Cây sầu riêng cho trái thu hoạch nghịch vụ, rải vụ thì tháng 4 âm lịch phải tiến hành xử lý vườn cây trồng. Khi xử lý có giai đoạn siết nước, tức là không cần nhiều nước. Việc này cũng đồng nghĩa “thuận thiên”, thời điểm mùa khô, hạn mặn cùng vào thời điểm siếc nước cây trồng. Cây trồng cho trái vụ nghịch, luôn bán được giá cao.

Hiện nay, sầu riên Cái Mơn đang tham gia tích cực vào thị trường nước ngoài, điển hình có thời điểm giành được thị trường Trung Quốc từ giống sầu riêng Monthong của Thái. Chính nhờ vào hiệu quả kinh tế cao của sầu riên mà đời sống người dân Cái Mơn, Chợ Lách hiện nay ngày càng được nâng cao.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Scroll to Top

Liên hệ qua các kênh tư vấn

Gửi nội dung tư vấn