FOR THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF MEKONG 

Trang chủ » Lĩnh vực hoạt động » NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN MÔ HÌNH DU LỊCH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN » SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ SẢN XUẤT CÂY GIỐNG CÁI MƠN

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ SẢN XUẤT CÂY GIỐNG CÁI MƠN

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ SẢN XUẤT CÂY GIỐNG CÁI MƠN

Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre, là vựa cây ăn trái lớn nhất, nhì miền Nam, được Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước. Đây là một làng quê thuần chất Nam Bộ với những con đường nhỏ hẹp bao phủ bởi rặng cây xanh nặng trĩu quả ngọt.

Vĩnh Thành đã xuất hiện cách nay hơn 200 năm, với ý nghĩa là thành công mãi mãi. Còn tên gọi Cái Mơn bắt nguồn từ đâu, có ý nghĩa gì thì không thấy có tên gọi trong địa bạ triều Nguyễn. Theo truyền thuyết, Cái Mơn là Kha Mân, tiếng Khmer là Khmum, nghĩa là “tổ ong”, đọc trại ra là “Cái Mơng” – rạch nhiều ong mật. Có tư liệu cho rằng, Cái Mơn do đọc trại từ tiếng Pháp: Caiman – con sấu mõm dài… Tên gọi Cái Mơn có rất lâu đời, có trước thôn “Vĩnh Thành” và trước khi các linh mục nước ngoài đến Cái Mơn truyền giáo, giảng đạo (đầu thế kỷ XIX).

Theo tư liệu điền dã, Trương Vĩnh Ký được xem là người có công đầu tiên đem các loại trái cây về Cái Mơn. Từ năm 1851-1858, Trương Vĩnh Ký theo học tại Chủng viện Peelnang (Mã Lai), mỗi lần bãi trường đáp thuyền về quê và không quên mua nhiều loại trái cây biếu mẹ, người thân, lối xóm.

Cũng có nhiều ý kiến đề cập đến vai trò của các vị linh mục, các giáo sĩ Thừa Sai, đặc biệt là cha sở họ đạo Cái Mơn – ông Henry Gernot mang trái cây từ các nước Đông Nam Á về. Luồng ý kiến này được cho là có nhiều cơ sở chắc chắn. Từ năm 1864 trở đi, hoạt động công giáo có nhiều thuận lợi, việc đi lại của các giáo sĩ dễ dàng hơn, lệnh cấm đạo đã bãi bỏ. Các giáo sĩ đến Cái Mơn ngày càng nhiều và mang theo hạt cây giống từ các nơi về trồng thử nghiệm là điều có thể. Linh mục Gernot làm cha sở họ đạo Cái Mơn 48 năm, được giáo dân kính trọng. Thời gian cai quản họ đạo Cái Mơn, linh mục Gernot có điều kiện đi các nước trong khu vực Đông Nam Á và mang hạt giống cây ăn trái ngon về cho giáo dân trồng, cũng như mang các loại trái cây về biếu các ông trùm, ông biện, quan lại địa phương và sau khi ăn lấy hạt trồng, nhân giống.

Các luồng ý kiến cho thấy, trái cây miền dưới (chỉ các nước Đông Nam Á) đã du nhập vào Cái Mơn khá sớm, từ 1851-1858. Qua tìm hiểu về trái cây Cái Mơn, dừa là loại cây xuất hiện sớm nhất ở Cái Mơn, có nguồn gốc từ miền Trung theo di dân vào Cái Mơn (1702). Các giống cây cam, quýt, chuối, xoài, mãng cầu được nông dân trồng nhiều khi mới lập vườn. Đất Cái Mơn đã có sự hiện diện của 54 loại trái cây, đặc biệt là các loại trái cây đặc sản của các nước Đông Nam Á. Ông Nguyễn Duy Lưu (1857-1947) có công đem giống sầu riêng “sữa bò” từ Campuchia về Cái Mơn, trong những năm đầu của thế kỷ XX.

Đáng lưu ý là, người dân Cái Mơn rất cần cù, chịu khó, luôn có ý tưởng sáng tạo, không bỏ cuộc với thất bại ban đầu và quyết tâm hướng đến thành công; hình thức ghép cây giống được đa dạng theo thời gian. Trong sử dụng hạt để nhân giống đã xuất hiện ngẫu biến (đột biến gen) và người dân Cái Mơn đã tạo ra giống cây trồng có giá trị. Hiện, huyện Chợ Lách nói chung và Cái Mơn nói riêng được xem là vựa cây giống, hoa kiểng lớn nhất, nhì Nam Bộ. Cây giống Chợ Lách đã tiêu thụ khắp cả nước, với số lượng hơn 16 triệu cây/năm.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Scroll to Top

Liên hệ qua các kênh tư vấn

Gửi nội dung tư vấn